Nghị quyết số 148/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết số 148) xác định tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội đô thị
Hôm nay (30/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148 ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết số 148 xác định đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị...
Và tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện địa với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn…
Đánh giá về quá trình phát triển đô thị tại TP.HCM, lãnh đạo thành phố thừa nhận thời gian qua, thành phố còn tồn tại, hạn chế nhất định cần được khắc phục sớm, như: tình trạng kẹt xe, ngập nước, các vấn đề hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch; quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành. Các bài toán, giải pháp để triển khai thực hiện các chương trình về nhà ở (nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân thuê, nhà ở ven kênh rạch, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ…) còn chậm, chưa đạt được kết quả theo chủ trương, kế hoạch.
"Đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực và các thể chế chính sách có tính liên ngành, liên cấp, liên vùng, huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị. Lấy nguyên tắc phát triển bền vững làm cơ sở cho quá trình lập và thực thi quy hoạch", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nêu ý kiến.
Quản trị đô thị truyền thống sang mô hình đô thị thông minh
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cho rằng, theo mục tiêu đề ra trong nghị quyết 06 dự kiến toàn quốc sẽ có 950-1000 đô thị và đạt 1200 đô thị vào năm 2030. Với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn từ 2-2,5 lần so với mặt bằng chung, khu vực đô thị sẽ tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Việc gia tăng dân số cơ học nhanh chóng đang đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu của các đô thị vốn đã đạt đến ngưỡng hoặc vượt xa tuổi thọ thiết kế. Sự quá tải về cơ sở hạ tầng cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục...
“Để giải quyết được vấn đề này, chuyển đổi số trong quản lý và vận hành đô thị là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của các đô thị trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Đây chính là quá trình dịch chuyển từ quản trị đô thị truyền thống sang mô hình đô thị thông minh sáng tạo và bền vững”, ông Thái nói.
Vị Chủ tịch Tập đoàn VNPT đề xuất các địa phương thực hiện chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh cần xác định quy hoạch đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt về hạ tầng số, nền tảng số của các đô thị phải đi trước một bước, ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án chuyển đổi số, có các cơ chế thu hút nhân sự CNTT trình độ cao…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan của thế giới, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.
"Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững, phát triển không đột phá. Quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì chúng ta sẽ có một đô thị trật tự và phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-co-it-nhat-5-do-thi-dat-tam-co-quoc-te-2086336.html