Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu ý kiến.
Theo Ban Tổ chức, cách đây hơn một phần tư thế kỷ, khi toàn Đảng, toàn dân tập trung đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Cương lĩnh chính trị 1991, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục trên tinh thần phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, giáo dục có sứ mệnh phát huy năng lực sáng tạo của con người Việt Nam trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm cốt.
GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, từ ý tưởng chiến lược trên đây, ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 122/TTg về thành lập Hội Khuyến học Việt Nam và đến ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức ra mắt nhân dân, được đông đảo cán bộ và quần chúng trong khắp các vùng đất nước hoan nghênh và chào đón. Ngày 2/10 năm nay sẽ là sự khởi đầu bằng Tuần lễ học tập suốt đời, Chương trình xây dựng mô hình “Công dân học tập” và phát động giải thưởng Nhân tài đất Việt.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Báo Điện tử Dân trí, Tập đoàn VNPT đồng tổ chức. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 tiếp tục chặng đường phát hiện, hỗ trợ và tôn vinh nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, môi trường, y, dược, giáo dục.
Cùng với bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới những năm qua, sự nghiệp giáo dục đã đạt được nhiều thành quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cùng với bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới những năm qua, sự nghiệp giáo dục đã đạt được nhiều thành quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Nền giáo dục toàn dân được mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, cơ hội học tập cho mọi công dân được mở rộng, quy mô giáo dục tăng nhanh nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề, đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục từng bước được hiện đại hóa, thông tin hóa. Giáo dục thường xuyên, giáo dục ngoài nhà trường được quan tâm và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thực hiện đường lối và định hướng phát triển giáo dục của Đảng, kết nối và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống hiếu học của dân tộc, Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua đã xác lập triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa vui mừng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của Hội Khuyến học, từ bước đầu chỉ có tổ chức hội ở 21 tỉnh, thành phố, đến nay đã có 100% địa bàn cấp huyện và hơn 98% cấp xã với hơn 21 triệu hội viên chiếm hơn 21% dân số cả nước, đã trở thành một lực lượng xã hội đông đảo, lớn mạnh, đi đầu thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội Khuyến học Việt Nam như: “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Vì em hiếu học”, “Chắp cánh ước mơ”, “Mái ấm khuyến học”, “Trao gửi yêu thương”; các mô hình “Nuôi heo đất khuyến học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học”, “Giờ vàng khuyến học”... Các hoạt động đó đã bắt nguồn và khơi dậy được tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.
Để công tác khuyến học ngày càng phát huy hiệu quả, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Bên cạnh việc chú trọng lan tỏa theo chiều rộng, Hội Khuyến học cần gắn với nâng cao chất lượng theo chiều sâu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.
Bên cạnh việc chú trọng lan tỏa theo chiều rộng, Hội Khuyến học cần gắn với nâng cao chất lượng theo chiều sâu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Đồng thời, Hội cũng cần mở rộng, tăng cường số lượng thành viên tham gia để làm lan tỏa, truyền tải, hình thành nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới, học suốt đời, học đi đôi với hành, học gắn với phát triển hoàn thiện năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân, học gắn đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh, tình hình đổi mới xây dựng đất nước, nhất là nhu cầu về nguồn nhân lực cao đang đặt ra bức thiết gắn với mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến những năm 2030 và 2045.
Ngoài ra, công tác khuyến học cũng cần được triển khai song hành gắn liền với công tác khuyến tài, tạo điều kiện cho phát triển nhân tài Việt, để việc khuyến học có đóng góp quan trọng cho đổi mới, sáng tạo và là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục, xây dựng đất nước
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, gắn với hoạt động nhân kỷ niệm Ngày khuyến học Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành tiếp tục phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt với chủ đề “Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo”. Trải qua 16 kỳ giải thưởng đã có tác động to lớn đến phát hiện, tôn vinh tài năng, nhiều sản phẩm, công trình có giá trị đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương và cả nước…
Theo Nhân dân
https://nhandan.vn/cong-tac-khuyen-hoc-can-gan-lien-cong-tac-khuyen-tai-post717124.html